Trại phong Phú Bình: Khởi sắc mới
Bắt đầu từ ngày 01/09/2017 Trại phong Phú Bình thuộc quyền quản lý của Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình
Bắt đầu từ ngày 01/09/2017 Trại phong Phú Bình thuộc quyền quản lý của Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình. Trước đó, lãnh đạo bệnh viện đã có chuyến thăm và tặng quà cho các bệnh nhân phong đang nằm điều trị trong trại.

Đ/c Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc BVĐK Phú Bình phát biểu ý kiến
trong buổi gặp mặt các bệnh nhân phong

Đ/c Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc BVĐK Phú Bình tặng quà cho các
bệnh nhân phong
Từ quốc lộ 37 rẽ vào đường Tân Kim, cứ đi hết con đường quanh co sâu hun hút mới vào được đến khu điều trị bệnh phong Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trại phong nằm ẩn mình lặng lẽ trong trong sự bao bọc của cây rừng, đồi núi. Ở đó là kiếp sống của hơn 80 bệnh nhân phong đã gắn bó với căn bệnh bị người xưa hắt hủi. Kiếp sống lặng lẽ chẳng phá nổi sự tĩnh mịch của núi rừng.
Tuổi già neo đơn
Trước kia, đây là khu điều trị bệnh phong. Ngày ấy, bệnh phong là một căn bệnh quái ác, ghê sợ, phải tránh xa nên khu điều trị phải nằm sâu trong rừng núi. Nhưng giờ bệnh phong không còn nữa, đây trở thành nơi an dưỡng tuổi già của các ông bà sống neo đơn với một cơ thể không lành lặn.

Căn phòng đơn sơ như này đã là nhà của các ông bà
trong trại phong nhiều năm nay
Không tránh khỏi cái cảm giác ghê sợ ban đầu những con người với sự khiếm khuyết của đôi bàn chân, bàn tay sẽ khiến ai vào cũng phải có ý muốn chùn bước. Chỉ khi thấy được sự khát khao bóng người, tiếng người của nơi ấy lại níu bước chân chẳng nỡ dời đi.
Bất kỳ ai đến đây, dù để thăm hỏi, tặng quà hay chỉ để có thêm trải nghiệm hiểu biết, vốn sống đều được chào đón bằng tấm lòng khẩn khoản, quý người của những người già trại phong.
Trại phong Phú Bình hiện còn hơn 80 ông bà sinh sống. Có người đến đây khi đang ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất mười tám, đôi mươi. Có người đã đi hết một nửa cuộc đời trong chiến tranh, bom đạn rồi dừng chân ở chốn u sâu này để chiến đấu với bệnh tật.
Có người vẫn còn họ hàng, con cháu, một vài năm vào thăm hỏi đôi ba lần, ai may mắn thì được đưa về thăm nhà, thăm quê dăm ba bữa. Không người thân, tuổi già níu bám, nương tựa lẫn nhau chống chọi với bệnh tật và nỗi cô đơn. Một căn phòng nhỏ có vẻ vẫn mênh mông với hai kiếp người.
Vật chất thiếu thốn
Mấy năm trở lại đây, trại phong Phú Bình thường xuyên có các đoàn tình nguyện ở nhiều nơi, nhiều trường đại học tới ủng hộ, quần áo, gạo, mì tôm, bánh kẹo… vật chất chẳng là bao nhưng tấm lòng mới là đáng quý, được chia sẻ gánh nặng cơm áo với nỗi buồn cô đơn lúc tuổi già.
Nấu cháo mang đến từng phòng các ông bà rồi cùng ngồi trò chuyện là hoạt động được nhiều đoàn tình nguyện lựa chọn vì nó không chỉ tạo sự gần gũi không chỉ giữa 2 thế hệ mà còn là sự kết nối giữa hai thế giới “trong này – ngoài kia”. “Không cho gì chúng tôi cũng vui, cứ đến đây là vui rồi.”, một bà lão tuổi đã ngoài 80 nói.
Mỗi tháng, với số tiền trợ cấp ít ỏi, 450 nghìn, các cụ già hầu như chỉ dám ăn một bữa cơm với chút thức ăn để còn dành tiền thuốc thang đau ốm. Nhưng từ khi trại phong được chuyển về Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình quản lý, Lãnh đạo bệnh viện đã hứa sẽ hỗ trợ điều trị miễn phí cho các cụ khi bị bệnh. Những cụ không có khả năng tự phục vụ sẽ được nhân viên khu điều trị phong nấu cơm phục vụ các cụ (hiện nay hàng ngày có khoảng 20 cụ được nhân viên nấu cơm).
Y học ngày càng hiện đại, phong không còn là căn bệnh không thể chữa trị. Hơn thế, những người bị bệnh hoặc từng bị bệnh phong không còn bị kỳ thị nữa. Mảnh đất một thời đau thương cũng đang từng ngày hồi sinh. Trại phong Phú Bình giờ không chỉ là nơi dưỡng già của các cụ già ốm yếu mà còn có cả những gia đình rộn tiếng trẻ thơ làm ấm lòng người.
Một số hình ảnh trong buổi khảo sát vào Trại Phong của các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình




Rời trại phong Phú Bình, những câu chuyện, những con người nơi đây vẫn hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Hình ảnh những bóng người đang cao thấp bước đi trên đôi chân giả, những ngón tay co quắp, vụng về, những em nhỏ nô đùa ở góc sân,… hiện lên đầy day dứt. Mong rằng, với sự thay đổi trên cuộc sống sẽ thật sự hồi sinh với những con người nơi đây!
Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn ở Trại Phong Phú Bình, xin gửi theo địa chỉ: Phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình – Tổ 4 – TT Hương Sơn – huyện Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên. ĐT: 0208 3567552
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền